Giá thuê mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại ngày càng tăng

Giá thuê mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại ngày càng tăng

(Dân trí) – Nhiều đơn vị cho rằng giá thuê mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại ngày một tăng. Nhu cầu thuê cao, nguồn cung mới hạn chế là nguyên nhân chính đẩy giá thuê tăng.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Furusawa Yasuyuki – Thành viên Ban giám đốc Điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam – nói đơn vị này sẽ tăng tốc phát triển mạng lưới và mở mới các địa điểm kinh doanh. Trong tầm nhìn dài hạn, Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2, bên cạnh Nhật Bản.

Doanh nghiệp này vừa cho ra đời thêm một trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị bên ngoài trung tâm mua sắm AEON tại quận 8, TPHCM. Trong quá trình tìm kiếm mặt bằng mới này, ông Furusawa Yasuyuki thừa nhận giá thuê ngày càng đắt đỏ.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại ngày càng tăng cũng là chủ đề mà nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đề cập gần đây.

Bà Dương Thùy Dung – Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam – chỉ ra trong nửa đầu năm, tại Hà Nội, giá thuê khu vực trung tâm tăng 11% còn ngoài trung tâm tăng tới 18% so với cùng kỳ năm trước. Tại TPHCM, giá thuê tăng 18% ở khu vực trung tâm và 15% ở khu vực ngoài trung tâm.

Theo bà, các nhà bán lẻ đã có cửa hàng ở khu vực trung tâm đang quan tâm tới các khu vực ven trung tâm tại TPHCM và Hà Nội. Nhu cầu tăng từ các nhà bán lẻ Trung Quốc, đặc biệt là các thương hiệu F&B (đồ ăn và đồ uống) và lifestyle (lối sống).

Bà dự báo giá thuê năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức khả quan, tiếp nối đà tăng từ năm 2022. Mức tăng 8-9% ở khu vực trung tâm và 17-18% ở các khu vực ngoài trung tâm, ở TPHCM và Hà Nội.

Bà Cao Thị Thanh Hương – Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills TPHCM – cũng cho rằng giá thuê mặt bằng tầng trệt trung tâm thương mại tại TPHCM trong quý II đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước nhờ 20% tổng nguồn cung có giá thuê tăng.

Nền kinh tế nội địa phục hồi mạnh mẽ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ, thu hút các thương hiệu mới gia nhập thị trường và tiếp tục mở rộng. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có xu hướng mở rộng ra các khu vực phụ cận thay vì chỉ ở trung tâm.

Bà nhận định mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục diễn biến khả quan do TPHCM có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và tài sản tăng sẽ góp phần mở rộng thị phần bán lẻ hiện đại. Theo Oxford Economics, chi tiêu tiêu dùng tại TPHCM được dự báo sẽ tăng 8,4% vào năm 2025, bán lẻ hiện đại sẽ chiếm 50% thị phần các kênh bán lẻ.

Còn giá thuê của mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong thời gian tới cũng sẽ khá tích cực, có xu hướng ổn định hoặc tăng do nguồn cung mới hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án hiện hữu tại các vị trí đắc địa sẽ tiếp tục duy trì công suất cho thuê cao và có thể tăng giá thuê.

Mặc dù giá thuê mặt bằng ngày càng tăng, song bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội  – đánh giá chi phí thuê mặt bằng cao cấp tại Hà Nội và TPHCM vẫn đang ở mức cạnh tranh so với nhiều thị trường trong khu vực.

Cụ thể, giá thuê của các mặt bằng cao cấp khu trung tâm của Hà Nội là 96,4 USD/m2 và tại TPHCM là 151 USD/m2. Mức giá này tại Kuala Lumpur là 158,6 USD/m2/, Singapore là 399,7 USD/m2 và 289,5 USD/m2 tại Bắc Kinh.

Ngược lại, ở các thành phố khác trong khu vực, nguồn cung mặt bằng bán lẻ dồi dào đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, buộc các chủ sở hữu phải điều chỉnh giá thuê để thu hút khách hàng.